- Để làm tốt một bài văn nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học, trước tiên các em cần hiểu đúng yêu cầu của đề bài, xác định được bố cục của bài để lên dàn ý triển khai viết bài. Dưới đây là bài soạn chi tiết Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học (sách cánh diều). Cùng theo dõi bài viết nhé!
- Soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học
- Đề bài: Từ truyện Chí Phèo (Nam Cao), em hãy bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
- 1.1 Lập dàn ý chi tiết
- A. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về vấn đề cần bàn luận: “Chúng ta vẫn nhắc đến tác phẩm Chí Phèo như một truyện ngắn xuất sắc nhất của tài năng nghệ thuật nhà văn Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, đó chính là sức mạnh của tình yêu thương con người.
- B. Thân bài:
- a) Tình yêu thương giữa người với người được thể hiện trong truyện ngắn “Chí Phèo”.
- Khái quát về hoàn cảnh của Chí Phèo trước khi gặp Thị Nở
- Trước khi trở nên tha hóa, Chí Phèo đã từng là một người nông dân lương thiện
- Sau khi bị Bá Kiến hãm hại, Chí Phèo đã bị bắt vào tù
- Sống trong cảnh nhà tù Thực dân đã biến Chí từ một người nông dân 20 tuổi hiền lành, lương thiện trở thành một người thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính.
- Chí làm tay sai cho Bá Kiến
- ⇒ Trước khi gặp Thị Nở, Chí Phèo bị mọi người coi là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”
- Diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở
- Cuộc gặp gỡ định mệnh với Thị Nở đã đem đến những biến chuyển tâm lí rõ nét trong Chí Phèo
- Thức tỉnh: Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, lần đầu tiên Chí thực sự “tỉnh”.
- Chợt nhận ra bên trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy được “chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”
- Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say dài đằng đẵng.
- Tỉnh để cảm thấy vị đắng trong miệng và “lòng mơ hồ buồn”
- Cảm thấy “sợ rượu” ⇒ đây chính là dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất
- Cảm nhận được những thanh âm của cuộc sống: đó là âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói…
- Hắn đủ tỉnh để nhận thức hoàn cảnh của mình, để cảm thấy mình rất cô độc
- ⇒ Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã làm Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên
- Niềm vui, hy vọng cùng ước mơ quay trở về
- Niềm hy vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ thì dệt vải, nuôi lợn, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng
- Khi nhìn thấy bát cháo hành của Thị, Chí Phèo ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt” ⇒ sự xúc động vì lần đầu tiên có người chăm sóc mình
- Thấy Thị Nở có duyên, Chí cảm thấy vừa vui vừa buồn
- Hắn muốn làm nũng với Thị, thấy lòng như thành trẻ con
- Chí Phèo thèm được lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối để quay trở lại
- Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hy vọng và mong muốn có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”
- ⇒ Gặp được Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, Thị mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy trong Chí.
- b. Tình yêu thương giữa người với người trong đời sống hằng ngày
- Khái niệm
- Tình yêu thương là chỉ một phẩm chất tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn của con người. Đó là tình cảm thương yêu, sẻ chia và đùm bọc một cách thắm thiết.
- Mỗi người chúng ta ai cũng đã từng nghe qua câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”, đây là một nghĩa cử rất cao đẹp của con người. Trong cuộc sống, chúng ta cần mở lòng để yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh khó khăn hơn ta. Khi chúng ta yêu thương người khác thì bản thân chúng ta sẽ được mọi người yêu thương và được quý mến hơn. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sức mạnh của tình yêu thương con người.
- Biểu hiện của tình yêu thương
- Trong gia đình:
- Ông bà thương yêu con cháu, cha mẹ thương con, con yêu ba mẹ
- Cha mẹ luôn sẵn sàng hi sinh, cực nhọc để làm việc vất vả và nuôi dạy con cái nên người
- Con cái biết vâng lời, yêu thương cha mẹ, đều đó thể hiện tình yêu thương của mình đối với ba mẹ
- Tình yêu thương còn thể hiện ở sự đoàn kết, hòa thuận quý mến lẫn nhau giữa anh chị em với nhau.
- Trong xã hội:
- Tình yêu thương được thể hiện ở tình yêu đôi lứa
- Tình yêu thương con người là truyền thống đạo lí cao đẹp của xã hội
- Tình thương, sự quan tâm sẻ chia dành cho những con người có số phận đau khổ, bất hạnh.
- Quan tâm, giúp đỡ cho những người sống khó khăn, thiếu thốn, cần sự hỗ trợ ở quanh mình
- Lên án, đấu tranh chống lại những thế lực đày đọa, áp bức bóc lột, ngược đãi con người.
- Ý nghĩa của tình yêu thương:
- Sưởi ấm những tâm hồn cô đơn, đau khổ, bất hạnh, đồng thời truyền cho họ sức mạnh, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh.
- Tạo nên sức mạnh cảm hoá kỳ diệu đối với những người “lầm đường lạc lối”; mang lại cho họ niềm hạnh phúc, niềm tin và cơ hội để có cuộc sống tốt đẹp hơn;
- Yêu thương là cơ sở xây dựng một xã hội tốt đẹp, có văn hóa.
- Phản đề:
- Lên án, phê phán những người trong xã hội sống thiếu tình thương, vô cảm, dửng dưng trước niềm đau chung, sự bất hạnh của đồng loại; những kẻ ích kỉ, chỉ biết lo cho cuộc sống của bản thân mình mà không quan tâm đến bất cứ ai.
- c) Bài học nhận thức và hành động:
- Bài học nhận thức:Tình yêu thương vô cùng ý nghĩa, đó là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Đôi khi chỉ một hành động rất nhỏ cũng mang lại sức ảnh hưởng to lớn đến con người.
- Bài học hành động: Mọi người cần trau dồi và lan tỏa tình yêu thương bằng những hành động thiết thực.
- C. Kết bài:
- Tổng kết và khẳng định lại vấn đề: Tình yêu thương có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người, là lẽ sống của mỗi người
- Mỗi người chúng ta cần phải biết yêu thương lẫn nhau, yêu thương đồng loại.
- 1.2 Thực hành viết
- Bài viết tham khảo 1:
- Tình yêu thương là một trong những đề tài mà có lẽ dù có đo đếm hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể khai thác được cho đến cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu thương là đề tài nhận được rất nhiều tình cảm của các tác giả qua nhiều giai đoạn. Và Nam Cao cũng là một trong những tên tuổi hướng ngòi bút của mình vào tình yêu. Trong truyện ngắn Chí Phèo ông không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông đã tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu chân thực, ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
- Hình ảnh “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo trong tác phẩm gắn liền với mối tình “đôi lứa xứng đôi” Chí Phèo - thị Nở. Trước khi gặp Thị, Chí Phèo từng là một người nông dân lương thiện, hiền lành như cục đất. Con người ấy dù có một tuổi thơ bất hạnh, bị chuyền tay như một món hàng nhưng vẫn giữ trọn được những vẻ đẹp tâm hồn cao quý, thiêng liêng của một đời lương thiện, biết phải trái biết đúng sai, biết tự trọng. Nhưng bàn tay đen tối của bọn cường hào phong kiến nói chung, đại diện là Bá Kiến nói riêng và cái nhà tù thực dân không cho con người ấy sống cuộc đời lương thiện. Chúng hùa với nhau, tước đi cả nhân hình và nhân tính của người nông dân lương thiện, để biến anh Chí trở thành thằng Chí Phèo, biến anh canh điền hiền lành, chăm chỉ trở thành kẻ lưu manh có mỗi một nghề là rạch mặt ăn vạ. Chẳng ai cho Chí một chút quan tâm, không ai coi hắn là người. Để từ đó, Chí Phèo trượt dài trên con dốc tha hóa xuống đáy vực của nó và trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.
- Thế nhưng, phía cuối đường hầm vẫn còn một chút ánh sáng le lói để Chí hy vọng. Trong cái làng Vũ Đại ấy vẫn còn một người dám nhìn đến Chí, không sợ Chí Phèo và luôn đi qua vườn nhà hắn để lấy nước. Đó là một người đàn bà khốn khổ, khổ đau và phải chịu nhiều thiệt thòi - thị Nở. Chao ôi! Sao nhà văn Nam Cao lại dùng những lời văn lạnh lùng đến tàn nhẫn, mỉa mai để tả người đàn bà khốn khổ ấy? Người đàn bà đã mang một dung nhan “xấu ma chê quỷ hờn”, lại còn dở hơi “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”, mà thị lại còn nghèo nếu trái lại thì ít nhất sẽ có một người đàn ông khổ sở. Họ gặp nhau trong một đêm gió mát rười rượi với ánh trăng ở vườn chuối cạnh bờ sông. Những tàu lá chuối bị gió bay lại “giãy lên đành đạch như là hứng tình”. Khung cảnh lãng mạn đang tác thành cho họ. Chí Phèo uống rượu ở nhà Tự Lãng đã say từ nửa đường; thị Nở đi kín nước cũng hớ hênh tựa vào gốc chuối ngủ trong cái gió mát như quạt hầu. Hai con người dị dạng, hai số phận trớ trêu đã trải qua một đêm tình lãng mạn đúng kiểu “Chí Phèo - thị Nở”. Nhưng Nam Cao dựng lên mối tình “người - ngợm” này không phải để câu khách rẻ tiền mà làm tỏa sáng tình người, tình yêu thương và sự săn sóc ấm áp của một người đàn bà xấu xí ngoại hình nhưng lại có một tấm lòng vàng.
- Đêm tình ấy đã khiến thị Nở xao xuyến và suy nghĩ nhiều, đặc biệt về Chí Phèo, về trận ốm của Chí. Thị về nhà sau cuộc tình, sau khi dìu Chí Phèo vào nhà và trằn trọc không sao ngủ được. Thị nghĩ “thổ trận ấy thật là phải biết, cứ gọi là hôm nay nhọc nhừ”. Và thị nghĩ phải cho hắn ăn một tí gì mới được. Vì thế, Thị đã đem cho Chí nồi cháo hành còn nóng hổi để hắn ăn cho khỏi ốm. Hơn cả một chi tiết nghệ thuật, bát cháo hành của thị Nở đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật trong văn học hiện đại Việt Nam. Đặt trong quãng đời dài dặc tràn đầy bi kịch, trong hoàn cảnh dưới đáy xã hội hiện tại của Chí, bát cháo ấy là tình người hiếm hoi mà Chí nhận được. Đó chính là hạnh phúc tình yêu muộn màng, quý giá vô vàn mà lần đầu tiên trong đời hắn được cảm nhận. Bát cháo hành nóng hổi cùng những cử chỉ, lời nói thô vụng của thị Nở đã đánh thức phần “Người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay trong Chí. Không ngờ được con người mới hôm qua còn đi đốt nhà, bắt vạ, rạch mặt ăn vạ, hôm nay lại có thể tỉnh táo nhận ra nhịp sống thường ngày. Hắn có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc đã bị tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khát khao được trở lại cuộc sống lương thiện. Đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà đó lại là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người Thị Nở.
- 1
- Lòng yêu thương con người với nhau thật giản dị hiện diện mọi ngày, mọi nơi, mọi thời điểm nhưng chúng lại có những sức mạnh phi thường. Đó là tình cảm gia đình, tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho con cái, lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Những người hàng xóm láng giềng luôn giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Thầy cô luôn cố gắng dành trọn vẹn kiến thức mình có cho học sinh, luôn đồng cảm giúp đỡ các em khi vấp ngã. Ngày nay, tuy đã hòa bình nhưng đất nước ta vẫn phải chịu đựng thiên tai hoành hành, lòng yêu thương ấy lại được thể hiện qua những cuộc từ thiện từ chiếc quần áo, sách vở hay gói đồ ăn... Chỉ cần có lòng yêu thương, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, mọi chuyện đều có thể vượt qua được.
- Ngày nay, trong xã hội hiện đại tình yêu thương lại càng thêm quý trọng, nhất là khi con người đang phải chịu nhiều áp lực từ công việc, của cơm áo gạo tiền. Cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì lại càng cần đến sự yêu thương, nó như một sợi dây để gắn kết lại với nhau để con người trở nên gần gũi, gắn bó với nhau hơn, thể hiện sự đồng cảm chia sẻ, không ngại hy sinh để giúp đỡ lẫn nhau. Nó cũng sẽ mang đến cho con người sức mạnh, ý chí to lớn để vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, thử thách trong cuộc sống, giúp ta bù đắp, rèn luyện, tu dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, đặc biệt được mọi người ngưỡng mộ, quý trọng, yêu mến. Từ đó có thể giúp xã hội tốt đẹp, văn minh tiến bộ hơn, tình yêu thương chính là cội nguồn cứu vớt con người khỏi những bất hạnh trong cuộc sống.
- Hiểu được rõ ý nghĩ và giá trị của lòng thương con người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải trau dồi tinh thần ấy. Hãy luôn yêu thương con người nhiều hơn, bởi khi ta cho đi tình cảm yêu thương bao nhiêu thì chính bản thân ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận được mở ra vì con người, vì nhân quyền tất cả đều xuất phát từ lợi ích của mọi người, vì tình yêu thương giữa con người với nhau.
- Hãy biết yêu quý bản thân chúng ta một cách đúng đắn, rồi yêu thương con người khác, cùng chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thật tuyệt vời biết bao vì trên thế giới con người luôn xuất hiện tình yêu thương. Mỗi ngày, bản thân chúng ta hãy nuôi dưỡng trong trái tim mình những viên đá ngũ sắc yêu thương để tô vẽ cho cuộc sống của chính mình. Cuộc sống sẽ thật tươi đẹp biết bao nhiêu khi có tình thương.
- Bài viết tham khảo 2:
- Độc giả luôn nhắc đến Chí Phèo như một truyện ngắn xuất sắc nhất của tài năng nghệ thuật Nam Cao. Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao từ xưa và nay vẫn luôn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, nó thể hiện được tài năng nghệ thuật của tác giả. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người.
- Đọc những đoạn đầu tiên của truyện ngắn, người đọc khó có thể hình dung được sẽ có kiểu nhân vật chính của truyện, đó là một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một người bị coi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần và linh hồn nhờ vào tình yêu chớm nở. Chí Phèo vốn là một thanh niên hiền lành và lương thiện nhưng đã bị bọn phong kiến, cường hào ở làng Vũ Đại đẩy vào bước đường cùng. Từ đó, Chí đã trở thành một con quỷ dữ bị tha hóa cả về nhân tính lẫn nhân tình. Tất cả dân làng Vũ Đại đều quay lưng với hắn, người ta không còn nhớ đến một anh Chí hiền lành, lương thiện nữa, mà trong tâm trí họ, Chí giờ đây chỉ là một kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ với đầy những vết sẹo ngang dọc gần giống như mặt thú dữ của hắn. Không ai dám bắt chuyện với hắn bởi họ sợ con quỷ trong tâm hồn hắn. Vừa đau đớn về thể xác, vừa bị phá nát về tâm hồn, Chí đau đớn với những vết sẹo trong trái tim, những vết sẹo ấy đã ăn sâu, để mục rữa tâm hồn sau những tiếng rên rỉ rồi chửi đời và chửi người.
- Nhưng càng đi sâu vào bi kịch của Chí Phèo, tác giả Nam Cao càng nhận ra vẻ đẹp ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn hắn. Chí Phèo tuy bị hủy diệt nhân phẩm nhưng trong tâm hồn đen tối của hắn vẫn le lói một chút ánh sáng của tình yêu với mong muốn khát khao được làm người. Và rồi, Nam Cao có lẽ cũng muốn dành tặng cho Chí một món quà. Mối tình bất chợt với Thị Nở đã làm hồi sinh con người Chí Phèo, đánh thức lương tri và khát vọng làm người của hắn. Lần đầu tiên trong đời, Chí biết sợ cô đơn và hắn muốn khóc khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị Nở. Cũng là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, hắn có thể cảm nhận những âm thanh quen thuộc của cuộc sống vọng đến tai ngân vang trong lòng hắn. Điều đó càng khiến hắn thèm được làm một con người bình thường như bao người khác và khấp khởi hi vọng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Chí Phèo chưa bao giờ tỉnh táo để “nhớ rằng hắn có ở đời”, ấy thế mà khi gặp Thị Nở, hắn từ một kẻ vô cảm, vô tâm, không có ý thức về chính bản thân mình đã trở nên biết cảm nhận những kỷ niệm yêu thương đầm ấm với mùi hương từ bát cháo hành và sự săn sóc ân cần của Thị Nở. Rồi hắn nhớ ra, hắn đã từng mơ tới một viễn cảnh bình yên của một gia đình êm ấm, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải…. Không chỉ vậy, hắn còn sợ già, sợ cô độc và muốn được làm hòa với mọi người, muốn trở lại làm người lương thiện. Có cái gì đó thiếu thiếu khi Chí tỉnh dậy, hắn muốn được sống. Và có lẽ hơn thế, Chí muốn được yêu…. Rõ ràng sự chuyển biến trong tâm lý này là do tình yêu đem lại. Chính tình yêu thương mà Thị Nở dành cho hắn đã bù đắp khiếm khuyết trong tâm hồn, tái sinh một cuộc đời và làm giàu có đời sống nội tâm của Chí.
- Từ câu chuyện về tình yêu thương giữa hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người chính là sức mạnh có khả năng cảm hoá và giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, đã nhiều lần chúng ta bắt gặp sức mạnh đó, đó là ở người thầy người cô hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò nghịch ngợm, ngỗ ngược, hay ở người cảnh sát trại giam luôn luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã làm lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao nhiêu con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát ra khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong mỗi con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. . . .
- Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng ch con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xóa mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng: “Có gì đẹp trên đời hơn thế?/ Người yêu người, sống để yêu nhau”. Tồn tại và ngày càng phát triển – đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này.
- Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà tác giả đã tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút điêu luyện ấy, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên trên một bậc cao mới mang ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người hơn. Tình yêu ấy không chỉ làm cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời đầy u mê mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới mẻ về tình yêu. Rằng tình yêu luôn cao đẹp nhưng nó đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống luôn phải hài hòa với nhau mới có thể tạo thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn.
- Bài tham khảo 3:
- Tình yêu là một hiện tượng đặc biệt và khá phức tạp của cuộc sống con người, đó là đề tài nổi bật, hấp dẫn, không hề vơi cạn của văn học nhân loại. Chính vì vậy trong văn chương, tình yêu là đề tài liên tục thu hút sự chú ý của giới sáng tác, nghiên cứu, phê bình. Khuôn mặt của tình yêu tuỳ vào quan điểm thẩm mỹ, văn hoá, xã hội qua từng thời kỳ, của từng tác giả mà có những dạng tồn tại khác nhau. Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Tác phẩm được chú ý khai thác ở các khía cạnh tố cáo xã hội phi nhân tính, sự áp bức của giai cấp thống trị, số phận con người bị tha hoá... nhiều hơn là nhìn từ góc độ tình yêu của con người.
- Chí Phèo từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Bản tính vốn là người thật thà, tốt tính đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Cuộc đời Chí đột nhiên chuyển hướng do việc tiếp xúc miễn cưỡng với bà Ba Bá Kiến, một người "đàn bà phốp pháp, má hây hây", để từ một anh nông dân hiền lành, chăm chỉ, chất phác, lương thiện trở thành một tên tù, một tên lưu manh mất hết nhân tính, mất luôn cả ý thức về mình lẫn ý thức làm người. Tuy nhiên, lần gặp gỡ với Thị Nở lại mang đến một hệ quả ngược, nó làm đảo lộn tất cả. Chính cuộc gặp gỡ với Thị Nở chứ không phải một biến cố xã hội nào đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời Chí Phèo và quyết định số phận của cả Chí Phèo lẫn Bá Kiến. Từ cái dáng hình đáng sợ: “trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những vết chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết... Đến cách ăn vạ thật đáng sợ: lấy mảnh chai vỡ mà cào vào mặt, vừa cào vừa lăn lộn. Từ một thằng lưu manh, chế độ phong kiến mà đại diện là Bá Kiến đã hoàn thành nốt quá trình tha hoá để biến Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Cùng với những chuỗi ngày dài chìm trong men say là những ngày hẳn đã phá đi biết bao ngôi nhà, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người lương thiện. Hắn làm tất cả những việc đó trong khi say, hắn không nhận thức được rằng mình đang trượt dài xuống vực thẳm và người ta đang lảng tránh hắn như lảng tránh một con vật đáng sợ nào đó. Cuộc đời Chí tưởng cứ thế diễn ra, tối tăm, mù mịt. Không ai có thể tin hay nghĩ rằng có thể một lần con quỷ dữ ấy lột xác trở lại thành con người. Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra, dù ngắn ngủi, dù bất thường nhưng vẫn là một điều kì diệu vĩ đại, điều kì diệu có thể thay đổi một con người.
- Trong một lần uống rượu say, gặp Thị Nở ngủ quên tại vườn chuối, Chí Phèo và Thị Nở đã có một đêm sống như vợ chồng, đây cũng là lần gặp gỡ đầu tiên, tiền đề cho mối tình Chí Phèo, Thị Nở chớm nở. Buổi sáng hôm sau, khi tỉnh cơn rượu, Chí Phèo đã bị cảm, vì thương Chí có một mình, Thị Nở đã nấu cháo hành mang sang cho Chí giải rượu. Hành động ngỡ như hết sức bình thường này lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bát cháo hành không chỉ thể hiện tình thương của Thị Nở với Chí Phèo – con quỷ dữ bị cả làng xa lánh mà hơi ấm của bát cháo còn có sức mạnh đánh thức con người lương thiện bên trong Chí. Tình yêu của Thị Nở và Chí Phèo diễn ra thật tự nhiên, họ nhìn thấy ở nhau những giá trị tốt đẹp mà định kiến của người dân làng Vũ Đại không thể trông thấy. Chí thấy ở Thị Nở – người đàn bà xấu xí bị cả làng xa lánh vẻ đáng yêu rất duyên, Thị Nở lại thấy ở Chí vẻ hiền lành ngỡ như không bao giờ có trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy.
- Thị Nở với tình yêu thương của một người đàn bà đã kéo Chí Phèo từ vực sâu của tội lỗi trở lại làm người với khát vọng lương thiện cháy bỏng. Nhiều tướng cướp hoàn lương cũng bởi vì có sự khoan hồng của pháp luật, sự yêu thương của con người trong cộng đồng. Song trong cuộc sống hiện đại ngày nay, còn có những kẻ sống lạnh lùng như một cỗ máy, vô hồn vô cảm, chỉ biết sống cho mình, luôn đố kị ganh ghét, xung đột, cướp đoạt, là mối hiểm họa lớn cho xã hội mà ta cần lên án và bài trừ. Chí Phèo và Thị Nở đến với nhau một cách tự nhiên, chân thành như thế, họ tuy không hoàn hảo nhưng lại là một nửa hoàn hảo dành cho nhau. Nếu nói Thị Nở là người đã đánh thức phần nhân tính của Chí Phèo, mang đến những khát khao hạnh phúc, khát khao sống lương thiện của một thời trai trẻ thì Chí Phèo cũng chính là người thật lòng yêu thương, trân trọng Thị như một người đàn bà bình thường, thứ mà ngỡ như rất xa xỉ với Thị.
- Tình yêu thương là thứ tình cảm tốt đẹp mà con người dành cho nhau. Tình thương là những nét đẹp bình dị, trong sáng của tình người, lòng nhân hậu, sự khoan dung, cao thượng, vị tha và công lí. Đó có thể là tình cảm gia đình, tình bằng hữu, tình yêu lứa đôi, tình người nói chung. Nó có thể là thứ tình cảm vun đắp, xây dựng trong một thời gian dài nhưng cũng có thể chỉ là một niềm thương cảm chực trào dâng khi ta gặp một hoàn cảnh đáng thương nào đó. Yêu thương chính là khi ta cảm thông quan tâm giúp đỡ người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống. Tình yêu thương góp phần xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương, xóa bỏ hận thù. Tình yêu thương thực sự nó được ví như thật giống như một chiếc túi khổng lồ mà nhân loại không định nghĩa sao cho tường tận được. Ta như nhận thấy được tình yêu thương thực sự trừu tượng đến mức khó hiểu. Tình yêu thương đơn giản đó cũng chính là khi chúng ta mà nhìn đứa trẻ mồ côi như đang lặng lẽ nằm ở hàng ghế đá, nhìn cụ già đang mon men đi xin ăn. Và làm sao ta có thể không động lòng khi chúng ta nhìn người dân miền trung đang chịu những cơn bão, người thì bị chết, gia đình li tán và của cải bị mất mát. Ta như nhận thấy được cũng chính vì tình yêu thương chính là sự lo lắng cho người với người, dù chưa từng gặp mặt, dù chị là sự lướt qua nhanh chóng. Còn có những người luôn cố gắng cho đi mà không bao giờ nghĩ nhận lại cho riêng mình cả.
- Một xã hội ngập tràn tình yêu thương thì đó là một xã hội bình đẳng, văn minh và bác ái. Khi lòng yêu thương trở thành chuẩn mực của xã hội thì những cái xấu, cái ác sẽ bị đẩy lùi, chiến tranh sẽ không còn và lửa hòa bình sẽ ấm áp thắp lên trong mỗi căn nhà bình dị. Nhưng dù với bất cứ biểu hiện nào thì tình yêu thương cũng luôn mang lại những điều kì diệu riêng cho cả những người cho đi và những người nhận về nó. Bên cạnh đó, yêu thương còn là lực hấp dẫn kéo con người ta xích lại gần nhau hơn, tạo thành khối thống nhất, gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
- Nhìn vào mối tình của nhân vật Thị Nở, Chí Phèo người đọc cảm thấy được cái gì đó rất đáng yêu nhưng cũng không kém phần cảm động. Hai người bị cả xã hội quay lưng nhưng cũng chính họ lại là những con người có bản chất lương thiện, khát khao yêu thương nhất. Yêu thương đem lại hạnh phúc cho nhân loại, chỉ có yêu thương mới có thể xoa dịu những ngăn cách giàu nghèo, những bất đồng đố kị, làm cho xã hội văn minh tươi đẹp. Vì vậy hãy dành tình thương của mình cho mọi người xung quanh thật nhiều. Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi ta biết mạnh dạn cho đi, hãy đem tình thương của mình gửi đến muôn nơi.
- https://vuihoc.vn/tin/thpt-soan-bai-viet-bai-nghi-luan-ve-mot-van-de-dat-ra-trong-tac-pham-van-hoc-sach-canh-dieu-2348.html