Soạn bài thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra tro

From Anonymous, 6 Months ago, written in Plain Text, viewed 72 times.
URL https://paste.intergen.online/view/4af9ca09 Embed
Download Paste or View Raw
  1.  
  2.  
  3. Tác phẩm văn học ngoài nghệ thuật, phong cách, nội dung thì cũng chứa đựng những vấn đề xã hội ẩn sâu bên trong chúng. Bởi vậy, VUIHOC đã viết bài viết này với mục đích giúp các em có cái nhìn sâu sắc hơn về những vấn đề trong các tác phẩm văn học. Cùng theo dõi cách soạn bài Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học để làm rõ ngay vấn đề nhé!
  4.  
  5. Soạn bài: Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (Cánh diều): Đề 1
  6. Đề bài: Từ tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao), em hãy bàn luận về sức mạnh của tình yêu thương của con người với con người.
  7. 1.1 Bài viết tham khảo 1:
  8. Albert Schweitzer đã từng nói rằng: “Điều duy nhất có giá trị trong cuộc đời chính là những dấu ấn của tình yêu mà chúng ta đã để lại phía sau khi ra đi”. Quả thực như vậy, so với sự rộng lớn bao la của vũ trụ thì sự sống ngoài kia của con người chỉ là một điều gì đó nhỏ nhoi và hữu hạn. Chỉ có tình yêu cùng với những giá trị được tạo nên từ tình yêu chân chính mới có thể tồn tại bất biến. Với “một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ”, tác giả Nam Cao đã viết nên một kiệt tác truyện ngắn “Chí Phèo”, từ đó đem tới cho người đọc những thông điệp vô cùng nhân văn về tình yêu thương trong đời sống.
  9.  
  10. Nhân vật chính trong tác phẩm – Chí Phèo là một người với số phận vô cùng bi kịch. Ngay từ khi sinh ra, Chí đã không cảm nhận được hơi ấm của tình thương. Sinh linh bé nhỏ trần truồng và xám ngắt ấy bị bỏ rơi trong một cái lò gạch cũ. Chí đã tới với cõi trần gian này như thế, không một cái tên cũng không một mái nhà tử tế. Những tháng năm sau đó, Chí được nuôi nấng bởi nhiều người khác nhau. Họ cho đi và bán lại Chí như một đồ vật. Khi làm canh điền ở nhà Bá Kiến, Chí đã bị người ta vu oan. Miệng lưỡi quỷ kế của thiên hạ cùng với sự độc ác của Bá Kiến đã đẩy Chí phải vào tù. Khi về làng, Chí biến đổi cả về nhân dạng và tâm hồn. Hắn có một vẻ ngoài vô cùng gớm ghiếc, thường xuyên rạch mặt để ăn vạ và có tiền uống rượu. Không chỉ thế, Chí còn hủy hoại hạnh phúc của biết bao gia đình khác khiến cho dân làng đều sợ hắn và muốn tránh mặt.
  11.  
  12. Thị Nở xuất hiện tựa như một nguồn sáng ấm áp trong cuộc đời đen tối của Chí Phèo. Đây là người đàn bà gàn dở cùng với ngoại hình thô kệch. Thị vô tư nằm ngủ ở trong túp lều rách, khiến cho Chí Phèo – một kẻ chẳng bao giờ tỉnh cũng phải giật mình. “Vả lại có lý gì để thị sợ hắn đâu? Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn ngơ của mình, mà thị thì lại chỉ có ba cái ấy…” Dưới ánh trăng sáng đó, chúng cười với nhau. Không chỉ vậy, vào sáng ngày hôm sau, khi cả hai đều tỉnh táo, Thị Nở cũng đã không bỏ rơi Chí Phèo. Chí bỗng nhiên cảm thấy nôn mửa và sợ rượu, Thị Nở gượng dậy và đỡ hắn vào trong nhà rồi nhặt manh chiếu để đắp cho hắn. Tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí Phèo đã được thể hiện tập trung vào chi tiết bát cháo hành. Bát cháo đạm bạc là đại diện của một tình yêu thương, sự cảm thông vô cùng trong sáng của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Đón nhận tình cảm đó, lương tâm của Chí Phèo như được đánh thức và khao khát hướng đến hoàn lương. Hắn chợt thấy đó là bát cháo ngon nhất trên đời. Trong tâm trạng Chí Phèo, cảnh vật cùng con người đều chứa chan niềm hi vọng. Ước mơ về một gia đình nhỏ hạnh phúc bỗng sống dậy. Dù cuối cùng, Chí Phèo có một cái kết hết sức bi thảm nhưng chính cái chết đó lại là tượng trưng cho khao khát được sống, được làm người lương thiện một cách mãnh liệt nhưng không được xã hội chấp nhận.
  13.  
  14. Từ “Chí Phèo”, ta đã thấy được tầm quan trọng của tình yêu thương ở trong đời sống hằng ngày. Yêu thương là điều không thể nào thiếu được. Nếu trong văn học, giá trị của một tác phẩm nhiều khi được tập trung trong một chi tiết điển hình thì ở cuộc sống, tình yêu thương được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, đơn giản tới mức nhiều khi ta không để ý. Biết cảm thông trước những nỗi buồn của người khác và giúp đỡ khi người xung quanh gặp phải khó khăn, vui mừng trước hạnh phúc cũng như thành công của mọi người, trân trọng những điểm khác biệt của những người khác,…tất cả những hành động ấy đều là biểu hiện của tình yêu thương. Có thể nói, tình yêu chính là sợi dây giúp gắn kết con người với nhau một cách tự nhiên và bền chặt nhất. Nhờ có tình yêu thương mà cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa. Yêu và được yêu, ta sẽ được truyền cảm hứng sống, có cho mình một mục tiêu tốt đẹp để phấn đấu. Trong những giờ phút tuyệt vọng hoặc khổ đau, chính tình yêu thương là thứ giúp vực dậy tinh thần của chúng ta, che chở cho ta vượt qua được giông bão. Một xã hội được xây dựng dựa trên cơ sở của tình yêu và sự công bằng là một xã hội hết sức văn minh. Nếu sống mà không có tình yêu thương, con người sẽ không có cơ hội phát triển một cách tốt đẹp. Cuộc đời của ta sẽ trở nên tẻ nhạt, u ám và không có định hướng. Tiền tài hay danh vọng cũng chẳng thể nào khiến ta bớt đi sự cô đơn.
  15.  
  16. Như vậy, từ trang văn tới thực tế cuộc sống, ta đều có thể thấy được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của tình yêu thương. Nhịp sống hiện đại vốn gấp gáp, đôi khi khiến ta quên đi mất trái tim của mình và những người xung quanh cũng cần phải nâng niu, chăm sóc. Hãy mở rộng lòng mình ra để yêu và được yêu, thấu cảm với tất cả mọi người, xoa dịu đi những khổ đau và xóa mờ đi sự khác biệt. Chừng nào ta còn biết chia sẻ, quan tâm và hi vọng thì sẽ không có những kiếp người phải chịu đau khổ như Chí Phèo.
  17.  
  18. 1.2 Bài viết tham khảo 2:
  19. Tình yêu là một trong những đề tài mà có lẽ có đo đếm tới hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể nào khai thác được cho đến mức cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu là đề tài nhận được vô vàn tình cảm của giới sáng tác thông qua nhiều giai đoạn. Và chính tác giả Nam Cao cũng hướng ngòi bút của mình tới tình yêu. Trong tác phẩm Chí Phèo ông không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn hay thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào việc miêu tả tình yêu chân thực và ca ngợi sức mạnh tình yêu thương của con người với con người.
  20.  
  21. Tình yêu thương của Thị Nở với hình ảnh một bát cháo hành nóng hổi và ngọt thơm hương vị của tình yêu thương giữa con người với con người đã khiến cho một con người đã bị tha hóa và biến chất như Chí Phèo phải thất tỉnh, thay đổi và hồi sinh. Chưa bao giờ hắn lại khao khát được sống một cách lương thiện đến như thế, ý chí muốn được sống cho ra con người, sự tử tế lương thiện đã khơi dậy mạnh mẽ trong hắn, một con người đã từng được xem là một con quỷ của làng Vũ Đại nhưng chính sự hắt hủi và vô tâm của người đời đã lần nữa hắt hủi Chí Phèo ra khỏi xã hội của loài người, dồn hắn vào bước đường cùng không lối thoát trong hành trình đi kiếm tìm tình yêu thương đó. Phải chăng con người biết sống vị tha hơn và thấu hiểu hơn, biết yêu thương nhau hơn thì Chí Phèo có lẽ đã được sống cuộc sống hạnh phúc với tình yêu thương của Thị Nở, cuộc đời này cũng trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn bao giờ hết.
  22.  
  23. Ngày nay, tình yêu thương ở trong xã hội hiện đại lại càng thêm quý trọng, nhất là khi con người ta đang phải chịu rất nhiều áp lực từ công việc, cơm áo gạo tiền và sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì lại càng cần tới sự yêu thương, một sợi dây giúp gắn kết lại với nhau để con người trở nên gần gũi, gắn bó với nhau hơn thể hiện sự đồng cảm chia sẻ và không ngại hy sinh để cứu vớt lẫn nhau. Nó cũng sẽ mang tới cho ta sức mạnh, ý chí to lớn để vượt qua được mọi nghịch cảnh, khó khăn và thử thách của cuộc đời, giúp ta bù đắp, rèn luyện cũng như tu dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, được mọi người ngưỡng mộ, quý trọng và yêu mến từ đó giúp cho xã hội tốt đẹp, văn minh tiến bộ hơn, tình yêu thương cũng chính là cội nguồn cứu vớt chúng ta khỏi những bất hạnh ở trong cuộc sống.
  24.  
  25. Lòng yêu thương con người với nhau vô cùng giản dị hiện diện mọi ngày, mọi nơi và mọi thời điểm nhưng chúng lại mang những sức mạnh phi thường. Đó là tình cảm gia đình, tình yêu thương từ ông bà cha mẹ dành cho con cái, lòng biết ơn sâu sắc của con cái đối với ông bà cha mẹ. Những người hàng xóm láng giềng ngày đêm giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Thầy cô luôn cố gắng dành trọn vẹn nguồn kiến thức của mình cho học sinh và luôn đồng cảm giúp đỡ các em mỗi lúc vấp ngã. Ngày nay, tuy đã hòa bình nhưng đất nước ta vẫn phải chịu cảnh thiên tai hoành hành, lòng yêu thương đó lại được thể hiện thông qua những cuộc từ thiện từ chiếc quần áo và sách vở hay gói đồ ăn... Chỉ cần có lòng yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau thì mọi chuyện đều có thể vượt qua được.
  26.  
  27. Hiểu được rõ ý nghĩ và giá trị của lòng thương người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải trau dồi đức tính đó, hãy yêu thương con người nhiều hơn, bởi lúc ta cho đi tình yêu thương bao nhiêu thì chính bản thân mỗi chúng ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều tổ chức mở ra vì con người, vì nhân quyền tất cả đều bắt nguồn từ lợi ích của mọi người, vì tình yêu thương giữa con người với con người.
  28.  
  29. Hãy biết yêu quý bản thân một cách đúng đắn nhất, rồi yêu thương những người khác, cùng giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như ông cha ta ngày xưa đã dạy rằng:
  30.  
  31. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
  32.  
  33. Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
  34. 1.3 Bài viết tham khảo 3:
  35. Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao từ xưa và nay đều được xem là một truyện ngắn tiêu biểu và xuất sắc của nền văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, thể hiện được tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Cũng từ sáng tác ấy, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu ở trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu của con người với con người.
  36.  
  37. Đọc những đoạn đầu tiên trong tác phẩm, người đọc khó có thể hình dung ra được nhân vật chính của truyện – một con người đã bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một con quỷ dữ trong làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần xác và linh hồn nhờ vào một tình yêu chớm nở. Khó hình dung hơn nữa khi mà Chí lại được đánh thức bởi mụ đàn bà xấu xí ma chê quỷ hờn, một người đã ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí đó lại mang trong mình lòng tốt mà cả làng Vũ Đại không ai có được. Bát cháo hành nóng hổi cùng những cử chỉ của Thị Nở đã có thể đánh thức trong Chí phần “người” lương thiện đã bị vùi lấp lâu nay. Con người ấy mới hôm qua vẫn còn đi uống rượu say, chửi cả làng và chửi cả đứa sinh ra, rạch mặt để ăn vạ, la làng khắp xóm mà lại có thể tỉnh táo ngay và nhận ra được những điều hết sức đơn giản, nhịp sống thường ngày, có thể khóc và có thể sống dậy những cảm xúc tê dại đã có từ lâu nay, có thể yêu và dám khao khát, mong muốn được trở về cuộc sống lương thiện, mơ về một gia đình nhỏ hạnh phúc. Điều đáng nói hơn hết, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực của bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang tới từ những người dân làng Vũ Đại mà chính là lòng yêu thương ngây thơ và thuần phác trong con người thị Nở.
  38.  
  39. Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy rằng tình yêu thương giữa con người với con người là sức mạnh có khả năng cảm hoá và giáo dục con người nhanh nhất và mạnh mẽ nhất. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã được bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương người học trò của mình, dù đó là đứa học trò rất ngỗ ngược, ở người cảnh sát ở trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ những phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã có thể lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri đã bị vùi khuất phía sau biết bao tội lỗi, cứu vớt lấy những con người khỏi sa xuống vực thẳm đầy đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi vô vàn thảm họa diệt chủng và ươm lại trong con người niềm tin vào một tương lai tươi sáng….
  40.  
  41. Có nhiều cách để có thể giành lại hạnh phúc và công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn được mọi đau thương và xoá mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên ở trong mọi trái tim, không phát huy hết sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết rằng:
  42.  
  43. Có gì đẹp trên đời hơn thế?
  44.  
  45. Người yêu người, sống để yêu nhau
  46.  
  47. Tồn tại và ngày càng phát triển – đó chính là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến của chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh của chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm vào trong khổ đau là bóng tối và cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực và đưa con người ra ngoài ánh sáng và lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương và sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người chính là điều tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn vĩnh cửu của sức mạnh này.
  48.  
  49. Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự thơ mộng, lãng mạn và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào việc miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút đó, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu đã được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên một bậc cao hơn ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và mang sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Tình yêu ấy không những khiến cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời chứa đựng đầy mê muội mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới trong tình yêu. Rằng tình yêu thực sự cao đẹp nhưng luôn đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống phải hài hòa với nhau thì mới có thể hình thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn.
  50.  
  51. Soạn bài: Thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (Cánh diều): Đề 2
  52. Đề bài: Từ tác phẩm “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân), em hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ của cái “đẹp” với cái “thiện”.
  53. 2.1 Bài viết tham khảo 1:
  54. Nguyễn Tuân cả một đời đi tìm cái đẹp trong văn. Nhưng khác với những nhà văn khác, tâm hồn của ông hướng tới những nét toàn thiện toàn mĩ, vượt ra khỏi giới hạn của cái bình thường, luôn nhìn nhận thế giới cũng như con người ở phương diện thẩm mĩ và văn hoá. Và tác phẩm “Chữ người tử từ” là một trong tác phẩm đã thể hiện được mối quan hệ giữa cái “đẹp” và cái “thiện” một cách đặc sắc nhất, giúp bản thân em có được những cái nhìn mới mẻ về khái niệm ấy.
  55.  
  56. Cái đẹp và thiện trong tác phẩm ấy còn thể hiện ở nét đẹp của con người mà cụ thể trong đây là nhân vật Huấn Cao cùng Quản Ngục. Điểm chung của họ là đều mang một tấm lòng thiên lương trong sáng và đặc biệt dù hoàn cảnh có khác nhau nhưng đều chung một điều là ưa chuộng cái đẹp và tôn trọng những người có tài, có thiên lương.
  57.  
  58. Huấn Cao là một con người tài hoa uyên bác được biết đến thông qua những lời khen ngợi của thầy thơ lại cùng viên quan coi ngục. Đó chính là cái tài viết chữ của ông, chữ viết đẹp lắm cái nét chữ đó thể hiện sự tung hoành khát vọng cũng như ý chí của Huấn Cao. Đúng như câu nét chữ nét người, thông qua những nét chữ được thầy thơ lại và quản ngục khen ngợi khiến cho ta thấy được vẻ đẹp về phẩm chất và tâm hồn của Huấn Cao.
  59.  
  60. Vẻ đẹp đó còn được thể hiện thông qua vẻ đẹp trong sáng cùng tâm hồn cao đẹp. Huấn Cao đó là ông vốn khoảnh trừ chỗ thân quen thì ông mới cho chữ chứ ông không cho chữ một cách vô tội vạ, bừa bãi. Qua đó thể hiện lên sự quý trọng chính bản thân mình của nhân vật Huấn Cao. Ông không cho chữ bừa bãi vì chữ ông là một thứ vô cùng quý giá. Huấn Cao khi biết được tấm lòng của viên quản ngục thì cũng nhận lời cho chữ điều đó chứng tỏ sự trọng thiên lương của ông thông qua chi tiết “suýt nữa thì ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Ông biết được sự quý trọng của người khác dành cho chữ của mình nên ông nhất định muốn viết tặng viên quản ngục.
  61.  
  62. Tiếp đó chính là vẻ đẹp của viên quản ngục. Ông là một người có một sở thích sở nguyện cao quý đó chính là một ngày nào đó xin được chữ của ông Huấn Cao mà treo trong nhà thì hạnh phúc biết bao. Có thể nói trong ngục tối đầy sự ác độc lẫn lừa lọc ấy ta thấy viên quan coi ngục tựa như “ một âm thanh trong trẻo cất lên từ một bản nhạc xô bồ”. Không những thế quan ngục còn là một người biết trọng nhân cách của người khác và quý trọng những giá trị về văn hóa truyền thống. Dù Huấn Cao là một tên tử tù nhưng ông vẫn cảm thấy được sự nổi dậy của Huấn Cao là đúng đắn và vẫn yêu mến cái tài viết chữ đẹp của ông.
  63.  
  64. Tất cả những cái đẹp còn được thể hiện thông qua cảnh cho chữ của Huấn Cao với viên quản ngục. Nó được thể hiện những điều mà trước đó chưa từng có. Người cho chữ phải là một người tao nhân mặc khách, hành động cho chữ phải được diễn ra ở thư phòng nhưng ở đây người cho chữ lại chính là một người tử tù chân tay đang bị kìm kẹp. Không những thế sự đảo loạn lại vô cùng ghê gớm diễn ra ở đây. Đó là người tử tù kia lại là người cho chữ, dạy viên quản ngục, người quản ngục thì chỉ biết vái lĩnh và nghe theo. Người tử tù thì phong thái đường hoàng ung dung còn quản ngục lại khúm núm và sợ sệt. Bên cạnh đó là hình ảnh của khung cảnh cho chữ, nơi đó toàn những phân chuột phân gián, vô cùng ẩm ướt và tối tăm. Chỉ có ngọn đuốc kia để soi sáng ba cái đầu chụm vào với nhau. Như thế có thể thấy rằng trong cả ngục tối hoàn cảnh kinh khủng nhất thì cái đẹp vẫn sẽ được thăng hoa cất cánh.
  65.  
  66. Qua đây ta càng thêm yêu và khâm phục cái tài năng lẫn sự tài hoa uyên bác của nhà văn Nguyên Tuân. Với quan niệm suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp của mình nhà văn đã mang tới cho chúng ta những cái đẹp ở trong tác phẩm “Chữ người tử tù”. Cái đẹp đó có cả con người và những thú vui với giá trị truyền thống.
  67.  
  68. 2.2 Bài viết tham khảo 2:
  69. Nguyễn Tuân là một nhà văn được mệnh danh là suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông khám phá thiên nhiên dựa vào phương diện thẩm mỹ, khám phá con người thông qua phương diện tài hoa nghệ sĩ. Vận dụng điều này, nhà văn đã sáng tác tác phẩm “Chữ người tử tù”, văn bản đã gợi ra cho người đọc những suy nghĩ về cái “đẹp” cùng cái “thiện” trong cuộc sống.
  70.  
  71. Con người và những vẻ đẹp là trung tâm cảm hứng trong văn học lãng mạn, chữ của Huấn Cao thực chất là sự lí giải cho một góc tâm hồn Huấn Cao, là lời ca tụng cái đẹp trong hoàn cảnh tưởng chừng như chỉ tồn tại những điều xấu xa. Xem Huấn Cao là nhân vật đại diện cho toàn bộ cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương theo quan niệm Nguyễn Tuân cũng cần phải xem xét đến vai trò của viên quản ngục cùng thầy thơ lại. Bởi, cái đẹp chỉ thật sự ý nghĩa khi xuất hiện người biết thưởng thức. Đó cũng là một khía cạnh chủ đề trong tác phẩm mà nhà văn muốn mượn những nhân vật của mình để phát biểu. Sẽ không ai biết tới Huấn Cao vào những thời khắc khốc liệt nhất trong đời ông nếu như không có những người như viên quản ngục hay thơ lại. Hai nhân vật ấy cùng Huấn Cao đã làm nên “ba đốm sáng đặc biệt” trên nền hiện thực vô cùng tăm tối. Từ đó, gợi cho người đọc những suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái “đẹp” với cái “thiện” trong cuộc sống.
  72.  
  73. Cái đẹp là biểu tượng của một giá trị, đáp ứng nhu cầu và khát vọng sống của con người, đem lại cho con người nguồn cảm xúc tích cực và thôi thúc con người cần phải sáng tạo. Cái đẹp thuộc phạm trù mỹ học, trong đó phản ánh và đánh giá về những hiện tượng của hiện thực và những tác phẩm nghệ thuật đem tới cho con người một cảm giác khoái lạc về mặt thẩm mỹ biểu hiện thông qua hình thức cảm tính đồng thời xác định được giá trị thẩm mỹ của đối tượng dựa vào quan điểm về sự hoàn thiện xem chúng có phải là những hiện tượng có giá trị thẩm mỹ cao nhất hay không. Cái đẹp hiện ra với thiên hình vạn trạng với những tính chất khác nhau. Nghệ thuật là nơi tập trung cao nhất mối quan hệ giữa con người với hiện thực. Nếu con người bao giờ cũng muốn sáng tạo theo quy luật của cái đẹp thì nghệ thuật chính là nơi để tập trung cao nhất của quy luật này. Mặt khác, cái gì đẹp thì luôn luôn gắn với cái tốt và cái thiện (do đó mà chúng ta thường gắn chúng lại thành hai chữ ‘tốt đẹp’).
  74.  
  75. Theo nghĩa của triết học, Thiện chính là “điều tốt về phạm vi đạo đức, là lý tưởng thỏa mãn ý chí con người, cũng như chân thỏa mãn lý trí và mỹ, thỏa mãn tình cảm”. Mạnh tử thì nhận định rằng “Ai cũng có lòng thương người… Nếu thình lình thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng, ai cũng có lòng bồn chồn thương xót”. Đó chính là minh chứng cho một trong tứ đoan (mầm thiện) bao gồm: lòng tu ố, lòng từ nhượng, lòng trắc ẩn, lòng thị phi.
  76.  
  77. Cuộc sống luôn gắn liền buộc chặt giữa cái đẹp với cái thiện. Nếu thiếu đi một trong hai thì cuộc sống sẽ dần vô nghĩa hơn. Mỗi người cần phải khám phá cuộc sống thông qua con mắt thẩm mỹ cùng trái tim rung cảm với đời.
  78.  
  79. Trong văn học, cái đẹp với cái thiện cũng luôn luôn đi kèm với nhau. Một trong những nhiệm vụ của nhà văn và nhà thơ là tái hiện lại cuộc sống vào trong những trang sách, phát hiện ra cái đẹp và thâm nhập vào những mảnh đời. Bởi vì “văn học luôn gắn liền với cái đẹp và cái thiện”. Nhờ đó ta có thể tìm ra chân lý, cho ta thấy yêu cuộc sống và biết đồng cảm và yêu thương. Nói như Gamzatov thì nhà thơ và nhà văn đã góp phần nuôi dưỡng nên cái đẹp trong mỗi chúng ta và làm nên diện mạo đẹp đẽ cho thế giới.
  80.  
  81. Tóm lại, chúng ta không thể nào tách rời cái đẹp với cái thiện. Bởi “Suy cho cùng cái đẹp là đứa con ruột của đời sống. Hư vô tuyệt đối không có gạch đá và vôi vữa, không có hạnh phúc lẫn bi ai, thì lấy gì để mà làm chất liệu tạo hình nên cái gọi là “Cái đẹp”?”(Miên Di).
  82.  
  83. 2.3 Bài viết tham khảo 3:
  84. Nhà văn Nguyên Ngọc có quan niệm : “Đã là văn chương thì phải đẹp, đẹp là chức năng hàng đầu, là đạo đức của văn chương”. Trong lịch sử văn học của dân tộc, đặc biệt là giai đoạn những năm 1900 đến 1945 đã ghi lại rất nhiều dấu chân của những con người mang trong mình phong cách văn chương mới lạ, độc đáo. Nổi bật trong số đó phải kể tới nhà văn Nguyễn Tuân - một nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Một trong những nét bút trác tuyệt vời đó là tác phẩm “Chữ người tử tù”. Nổi bật trong tác phẩm ấy là hình tượng của nhân vật Huấn Cao cùng cảnh cho chữ - một cảnh tượng xưa nay chưa bao giờ có. Nguyễn Tuân luôn khao khát đi tìm cái đẹp cùng với một niềm tin bất diệt rằng cái đẹp bao giờ cũng có sức cảm hóa đối với những cái xấu và cái ác. Đọc “Chữ Người Tử Tù” ta sẽ thấy rõ được điều này, mối quan hệ giữa cái “đẹp” với cái “thiện”.
  85.  
  86. “Chữ người tử tù” là tác phẩm kết tinh từ tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận xét rằng “một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ”. Tác phẩm ấy nổi bật lên hình tượng của ông Huấn Cao tài hoa, không chỉ tài hoa mà còn có “thiên lương” và trong sáng, chí lớn không thành nhưng luôn ở trong tư thế hiên ngang bất khuất. Một trong những khâu vô cùng quan trọng trong nghệ thuật truyện ngắn là sáng tạo được tình huống truyện độc đáo. Tình huống truyện biểu hiện về mối quan hệ giữa nhân vật này với các nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh, thông qua đó bộc lộ được tâm trạng và tính cách, suy nghĩ của nhân vật. Vốn là một nhà văn với chất ngông độc đáo, Nguyễn Tuân đã xây dựng được một tình huống truyện đặc sắc và giàu kịch tính cho hai tuyến nhân vật ở trong tác phẩm của mình. Hai nhân vật ấy là Huấn Cao — một người tử tù phạm tội đại nghịch đang bị giam giữ chờ ngày thụ hình, người tài hoa nổi tiếng là viết chữ đẹp và nhân vật viên quản ngục - người quản lí những tù nhân, thi hành pháp luật và duy trì bảo vệ trật tự xã hội phong kiến thối nát, đại diện cho bộ máy triều đình nhưng lại yêu cái đẹp, hâm mộ người tài và sở hữu tấm lòng lương thiện.
  87.  
  88. Trên bình diện xã hội, họ hoàn toàn đối lập với nhau nhưng họ lại có cùng một điểm chung đó là say mê cái đẹp tao nhã và đều có tâm hồn vô cùng thanh khiết, lương thiện và có tấm lòng “ biệt nhỡn liên tài ”. Như vậy, trên phương diện nghệ thuật, họ lại chính là tri kỉ của nhau. Hoàn cảnh gặp gỡ của họ cũng thật éo le. Đó là nơi tù ngục đầy tối tăm, nhơ bẩn, là nơi người này sẽ quản lý người kia. Tình huống này dẫn tới xung đột dữ dội trong nội tâm của viên quản ngục: làm thế nào để có thể làm tròn phận sự của một người canh tù mà vừa giữ trọn tấm lòng đối với một người tài hoa mà mình đã từng quý trọng và ao ước muốn gặp mặt? Từ đây nảy sinh rất nhiều kịch tính. Người tử tù trở thành người mà viên quản ngục muốn nhờ vả để xin chữ, đồng thời lại là người mở đầu hướng thiện cho cuộc sống sau này của viên quản ngục. Chính tình huống độc đáo ấy đã giúp làm nổi bật được trọn vẹn và tự nhiên vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao đồng thời làm rõ tấm lòng biệt đãi người tài của viên quản ngục.
  89.  
  90. Huấn Cao được biết đến là người nghệ sĩ lớn - người sáng tạo cũng như truyền bá cái đẹp - một nghệ sĩ thư pháp luôn được tôn kính và được kính trọng như một danh hoạ. Mỗi lần nhà thư pháp hạ bút cũng chính là một lần sáng tạo, mỗi nét bút thể hiện sự gửi gắm, kí thác toàn bộ những tâm nguyện hết sức sâu xa của mình. Bởi thế mà mỗi con chữ là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết tinh của những vẻ đẹp trong tâm hồn người viết. Mỗi con chữ là hiện thân cho khí phách, của thiên lương và của tài hoa. Chữ Huấn Cao cũng thể hiện nhân cách Huấn Cao. Nó quý giá không chì vì được viết một cách nhanh chóng và đẹp lắm, vuông lắm, mà trước hết vì đó chính là những con chữ thể hiện khát vọng được tung hoành của một đời con người. Chính vì thế mà xin được chữ của ông Huấn Cao đã trở thành tâm nguyện to lớn nhất và thiêng liêng nhất của viên quản ngục.
  91.  
  92. Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân vừa thể hiện được lý tưởng thẩm mĩ của ông lại vừa có thể thỏa mãn tinh thần nổi loạn của ông đối với xã hội thực sự đen tối tàn bạo lúc bấy giờ. Căm ghét cái xã hội thối nát, ông đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa để chống lại triều đình, sự nghiệp không thành, còn ông thì bị khép vào tội phản nghịch và phải chịu án tử hình nhưng ông không hề run sợ và hối tiếc. Đối với Huấn Cao, mọi sự trói buộc hay tra khảo, giam cầm đều là vô nghĩa. Trước những trò “tiểu nhân thị oai” của bọn lính ngục “ Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gong xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Hành động đó bộc lộ sức mạnh hết sức phi phàm, làm toát lên tư thế hiên ngang và tinh thần bất khuất, ngạo nghễ trước lao lung. Hình bóng của Huấn Cao trở nên lồng lộng ở trong thế giới tăm tối chốn ngục tù. Thì ra gốc của tài năng chính là ở trái tim, gốc của cái tài chính là cái tâm. Như đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết trong truyện Kiều : “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhân cách cao quý chính là gốc rễ tài năng của nhân vật Huấn Cao.
  93.  
  94. Huấn Cao tâm sự rằng: “Ta nhất sinh không vì vàng bạc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Ông cho chữ là vì tình vì nghĩa chứ không vì bất cứ tiền bạc hay uy quyền, cách xử thế này đã bộc lộ tính cách cương trực, trọng nghĩa, cuộc sống không hề gợn một chút bả công danh. Huấn Cao cũng giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn coi vinh hoa phú quý trên đời tựa như giấc chiêm bao có rồi lại mất: “ Rượu đến cội cây ta sẽ uống - Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Huấn Cao cũng đồng tình với quan niệm của đại thi hào Nguyễn Du là không tham danh lợi mà chấp nhận “vào luồn ra cúi” với người khác. Hơn thế, Huấn Cao còn là một người yêu cái đẹp và luôn hướng tới cái đẹp, ông yêu mến luôn cả những con người biết quý trọng cái đẹp. Lúc đầu còn nhầm tưởng, Huấn Cao khinh bỉ vị quản ngục nhưng khi biết được sở thích cao quý của ông ta, Huấn cao rất trân trọng và cảm động nói rằng : “Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Một con người sống tung hoành và ngang dọc bốn phương “chọc trời quấy nước” đến chết chém còn không sợ thế nhưng ông lại sợ phụ một tấm lòng nhỏ bé và trong sáng của viên quản ngục. Vậy cái mà Huấn Cao tôn thờ chính là thiện tâm, là bản tính vô cùng tốt đẹp của con người: “Nhất sinh đề thủ bái hoa mai”. Lòng yêu quý người hiền lại càng làm cho tâm hồn của nhân vật Huấn Cao trong sáng và cao cả hơn.
  95.  
  96. Bên cạnh hình tượng của Huấn Cao lồng lộng, ta còn thấy một tấm lòng ở trong thiên hạ đó là viên quản ngục. Quản ngục không phải là một hung thần cùng với đôi bàn tay vấy máu mà là “ một thanh âm trong trẻo chen vào giữa bản đàn mà mọi nhạc luật đều xô bồ, hỗn loạn” là “cái thuần khiết giữa đống cặn bã” và là “người có tâm điền tốt và thẳng thắn” nhưng phải sống trong cảnh “ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Nếu như sở thích của những viên quan kia tầm thường là vàng bạc hư danh, là quyền quý an nhàn thì với viên quản ngục trong tác phẩm này thì hoàn toàn ngược lại. Ông là một người có những sở thích cũng như sở nguyện cao quý. Sở nguyện của ông chính là một ngày kia có một bức tranh chữ do Huấn Cao viết mà treo trong nhà thì như có một “vật báu trên đời”. Thiết nghĩ trên cõi đời này đã có chúa ngục nào mà có "cái sở nguyện" cao quý như ông ta? Cái sở nguyện yêu chuộng những giá trị văn hóa truyền thống đó cho ta thấy được cái tâm hồn vô cùng trong trẻo của ông. Mặc dù làm một tên quan cai ngục nhưng ông lại không đánh mất đi cái sự lương thiện ở trong bản thân mình.
  97.  
  98. Ông không muốn phụ thuộc vào triều đình. Khi biết Huấn Cao tới thì ông đã tìm mọi cách để có thể xin chữ của ông dẫu biết rằng một khi chuyện này bại lộ ra thì ông cũng sẽ phải rơi đầu. Nỗi "khổ tâm" của ông là có một Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền của mình mà không dám giáp lại mặt vì quản ngục cảm thấy nhân cách tử tù vô cùng xa cách với ông! Hơn thế nữa, hắn càng "khổ tâm" và lo lắng, mai mốt đây, khi Huấn Cao bị hành hình mà chưa kịp xin được mấy chữ thì ông sẽ "ân hận suốt đời". Ta cảm nhận được ở con người của ông những giá trị tôn vinh cái đẹp và tâm hồn ông đã không bị nhà ngục kia vấy bẩn. Trong cái nơi chỉ toàn sự đánh đập trả thù tra tấn thực sự dã man ấy mà tâm hồn của ông vẫn sáng lấp lánh tựa như một viên ngọc quý trong đêm. Có biết đến viên quản ngục chúng ta mới có thể hiểu được hết con người chúng ta. Nhiều khi cái chức vụ hoặc thân phận kia không quyết định tới lối sống và tâm hồn của họ.
  99.  
  100. Không chỉ là một người yêu thích cái đẹp và có sở nguyện vô cùng cao quý mà viên quản ngục còn là một người vô cùng trân trọng những con người tài giỏi như nhân vật Huấn Cao. Lần đầu gặp Huấn Cao ở trong cảnh nhận tù, ngục quan đã có “lòng kiêng nể”, “lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao”. Suốt nửa tháng trời, ngục quan đã bí mật sai thầy thơ lại dâng rượu và đồ nhắm lên cho người tử tù Huấn Cao cùng các đồng chí của ông. Rồi đến một hôm quản ngục đã đích thân xuống hỏi thăm tên tù ngục thì ta lại càng thêm thấy rõ tấm chân tình của hắn đối với Huấn Cao. Viên quản ngục vô cùng nhẹ nhàng và khiêm tốn : “Đối với những người như ngài phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là người có nghĩa khí tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết thì phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần gì thêm xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất”. Thế nhưng trước những lời lẽ hết sức kính cẩn và tôn trọng của hắn, Huấn Cao lại miệt thị nặng lời và xua đuổi : “Ngươi hỏi ta muốn gì ? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Trước tình huống này, người nắm quyền uy ở trong tay vô cùng bình tĩnh, không nổi trận lôi đình nhằm trả thù, không giở trò tiểu nhân để thị oai. Ngục quan chỉ lui ra một cách lễ phép với câu: "Xin lĩnh ý". Và từ hôm ấy, cơm rượu vẫn được đưa đến lại có phần “hậu hơn trước”.
  101.  
  102. Tại sao ngục quan lại làm như thế? Về vị thế, hắn coi mình “kẻ tiểu lại giữ tù”, còn Huấn Cao chính là một anh hùng tài tử dám "chọc trời quấy nước", nổi danh khắp thiên hạ với cái tài "viết chữ rất nhanh và rất đẹp". Vả lại, quản ngục còn có hi vọng chờ cho Huấn Cao “dịu bớt tính nết” để có thể xin chữ. Nếu được tử tù cho chữ thì hắn ta sẽ vô cùng “mãn nguyện”. Qua đó, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật nên bao phẩm chất của ngục quan: bình tĩnh, nhẫn nhục, lễ độ, sẵn sàng quỳ gối trước hoa mai. Thật may mắn là Huấn Cao đã kịp thời hiểu ra tấm lòng “ biệt nhỡn liên tài “ yêu thích cái đẹp của quản ngục. Và tấm lòng ấy đã khiến cho Huấn Cao phải cảm động. Sự cảm động ấy của Huấn Cao là cội nguồn dẫn tới cảnh cho chữ. Ông đã dành đêm cuối cùng của mình ở nhà giam tỉnh Sơn để cho chữ vị quản ngục. Vậy là việc Huấn Cao cho chữ không phải việc trả nợ một cách tầm thường, không giống như việc một kẻ sắp bị tử hình đang đem thứ tài sản cuối cùng cho người sống, cũng không phải là cơ hội cuối cùng để cho Huấn Cao trình diễn tài năng. Về bản chất việc cho chữ ấy là sự xúc động của một người trước một tấm lòng. Và Huấn Cao đã sử dụng tấm lòng mình để đáp lại một tấm lòng.
  103.  
  104. Với tác phẩm “Chữ người tử tù”, tác giả Nguyễn Tuân đã hoàn thành rất xuất sắc công việc của một nhà văn. Vẻ đẹp rực rỡ của nhân vật Huấn Cao hiện lên trong đêm cho chữ viên quản ngục. Cũng với cảnh ấy, người tử tù đang đi dần vào cõi bất tử. Dưới ánh đuốc đỏ rực của một bó đuốc được tẩm dầu, “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Sáng mai ông bị tử hình, nhưng từng nét chữ vuông vắn và tươi đẹp hiện lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ mãi còn đó. Đặc biệt ở đây còn diễn ra một sự đổi ngôi mà xưa nay chưa từng có. Kẻ cầm quyền hành trong tay thì lại bị tước hết quyền uy và khúm núm trước Huấn Cao. Kẻ bị mất cả quyền sống là ông Huấn Cao thì lại trở nên đầy quyền uy khi chăm chú tô đậm từng nét chữ đồng thời cho quản ngục những lời khuyên.
  105.  
  106. Và quản ngục đã vái lạy Huấn Cao như đang vái lạy một bậc thánh nhân: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Cảnh cho chữ là sự khẳng định chiến thắng của cái đẹp, của sự thiên lương trước những cái xấu, cái ác. Trong căn phòng giam ẩm thấp ấy, ánh sáng rực rỡ của bó đuốc đã đẩy lùi đi bóng tối, mùi thơm của chậu mực cũng đã xua đuổi mùi phân chuột, phân gián, màu trắng của tấm lụa bạch đã xóa tan đi sự u ám cửa nhà tù. Lúc này cái đẹp đang lên ngôi, cái đẹp đang đăng quang và lấn át hoàn toàn cái xấu. Với cảnh cho chữ ấy, cái nhà ngục tăm tối đã bị đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, cũng không có quản ngục và thư lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt đầy ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của những cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và cái đẹp khí phách.
  107.  
  108. Nhận xét về Nguyễn Tuân, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cho rằng : “Nguyễn Tuân là nghệ sĩ bậc thầy của tiếng Việt Nam, ông có công trong việc sáng tạo ra cái mới. Sự sáng tạo này là do sự tự học, tự tìm tòi trong chính trường đời, ngay trong chính nội tâm mình và trong văn hoá dân tộc ta và các dân tộc khác”. Chữ người tử tù có thể coi là một bằng chứng giúp khẳng định sự xứng đáng của ý kiến trên. Qua truyện ngắn “ Chữ người tử tù “ người đọc có thể dễ dàng nhận thấy được quan niệm về thẩm mĩ của Nguyễn Tuân: cái đẹp luôn gắn với cái thiện và cái tài phải luôn đi liền với cái tâm.
  109.  
  110. https://vuihoc.vn/tin/thpt-soan-bai-thao-luan-ve-mot-van-de-xa-hoi-dat-ra-trong-tac-pham-van-hoc-canh-dieu-2349.html

Reply to "Soạn bài thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra tro"

Here you can reply to the paste above