Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42 trong sách Ngữ Văn 7 tập 1 Kết nối tri thức là cơ hội để học sinh ôn tập và củng cố kiến thức về các biện pháp tu từ. Dưới đây là tài liệu Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42| Văn 7 tập 1 Kết nối tri thức do VUIHOC cung cấp nhằm giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài soạn và nắm được nội dung chính của bài. Thực hành tiếng Việt trang 42 văn 7 kết nối tri thức tập 1 Câu 1 trang 42 SGK Văn 7/1 kết nối tri thức: Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nào trong những dòng thơ sau đây? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. “Một ngày hoà bình Anh không về nữa” Phương pháp giải: Đọc kỹ lý thuyết của biện pháp “Nói giảm nói tránh” ở cột bên phải của sách để trả lời Lời giải chi tiết: - Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh trong 2 câu thơ trên. Sử dụng từ “không về” thay cho từ “chết”, nhằm chỉ sự ra đi của người chiến sĩ, người lính đã hy sinh. - Tác dụng của biện pháp “Nói giảm nói tránh”: Cách nói giảm nói tránh như thế nhằm mục đích giảm nhẹ và và làm vơi đi phần nào sự đau buồn, tang thương, mất mát cho người đọc. Câu 2 trang 42 SGK Văn 7/1 kết nối tri thức: Hãy tìm thêm một số ví dụ ngoài bài thơ Đồng dao mùa xuân có sử dụng biện pháp tu từ được dùng trong hai dòng thơ “Một ngày hoà bình Anh không về nữa” Phương pháp giải: Học sinh đặt câu có sử dụng cụm từ “không về” hoặc tìm lại một số tác phẩm văn thơ có cụm từ này. Lời giải chi tiết: - VD 1: Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về... (Bài hát Màu hoa đỏ - tác giả: Thuận Yến). - Vd 2: Sau cơn bạo bệnh, ông nội tôi đã ra đi mãi mãi trong bệnh viện và không về với chúng tôi nữa. Câu 3 trang 42 SGK Văn 7/1 kết nối tri thức: Xác định biện pháp tu từ trong những câu văn sau và nêu tác dụng: a. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy. (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí) b. Lắm khi em cũng nghĩ nỗi nhà cửa như thế này là nguy hiểm, nhưng em nghèo sức quá, em đã nghĩ ròng rã hàng mấy tháng cũng không biết làm như thế nào. (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí) Phương pháp giải: Học sinh đọc kỹ lý thuyết biện pháp “Nói giảm nói tránh” ở cột bên phải trong sách và nhớ lại các biện pháp tu từ đã được học để trả lời câu hỏi này. Lời giải chi tiết: a. - Biện pháp nói giảm nói tránh được sử dụng đối với cụm từ “nhắm mắt”. Từ “nhắm mắt” sử dụng để làm nhẹ và thay cho từ “chết”. → Tác dụng: cách nói trên nhằm tránh cảm giác đau buồn, ghê sợ khi Dế Choắt nhắc tới một chuyện tế nhị là cái chết sắp tới của mình. - Biện pháp tu từ liệt kê: kể tên một loạt những thói xấu của Dế Mèn “có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ”. → Tác dụng: nhấn mạnh những thói xấu trong tính cách của Dế Mèn, những thói xấu ấy là nguyên nhân gây ra nhiều tai họa đáng tiếc. - Biện pháp điệp từ “có”. → Tác dụng: khiến cho câu văn trở nên có nhịp điệu đồng thời cũng nhấn mạnh vào việc Dế Mèn có rất nhiều thói xấu. b. - Biện pháp nói giảm nói tránh sử dụng đối với cụm từ “nghèo sức”. Từ “nghèo sức” sử dụng thay cho cụm từ “cơ thể yếu ớt”. => Tác dụng: thể hiện cách nói chuyện tế nhị, lịch sự khi đang nói chuyện với người khác. Câu 4 trang 42 SGK Văn 7/1 kết nối tri thức Xác định biện pháp tu từ điệp ngữ trong bài thơ Đồng dao mùa xuân và nêu tác dụng Phương pháp giải: Học sinh nhớ hoặc tìm đọc lại kiến thức về biện pháp điệp ngữ, đọc bài thơ Đồng dao mùa xuân rồi tìm biện pháp điệp ngữ và nêu tác dụng của nó đối với văn bản. Lời giải chi tiết: - Điệp ngữ: “Có một người lính” → Tác dụng: Điệp ngữ như một lời nhắc nhở người đọc luôn nhớ về anh - một người lính đã sống, chiến đấu và anh dũng hi sinh. Đồng thời tạo ra một thế đối lập với dòng thơ “Anh không về nữa” khiến người đọc cảm nhận sâu sắc hơn những mất mát to lớn này. - Điệp ngữ: "Anh không về nữa" → Tác dụng: gợi lên trong lòng người đọc nỗi thương cảm về sự hy sinh của người lính trẻ, nhấn mạnh sự thương tiếc và lòng biết ơn của nhân dân, đồng đội nói chung và của nhà thơ nói riêng dành cho người lính. + Điệp từ “anh ngồi“ → Tác dụng: làm hiện lên hình tượng người lính nghiêm trang như một bức tượng giữa rừng núi Trường Sơn hùng vĩ. Chiến công, sự hi sinh quên mình vì dân, vì nước của người chiến sĩ mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam như một tượng đài vĩnh hằng, bất diệt. Câu 5 trang 42 SGK Văn 7/1 kết nối tri thức Xác định nghĩa của các từ ngữ “núi xanh” và “máu lửa” trong khổ thơ Có một người lính Đi vào núi xanh Những năm máu lửa. Em căn cứ vào đâu để xác định như vậy? Phương pháp giải: Học sinh đọc kĩ bài thơ và phân tích nghĩa của các từ ngữ này Lời giải chi tiết: - Núi xanh: hình ảnh liên tưởng đến chiến trường, nơi những trận chiến ác liệt diễn ra → Cùng với các từ ngữ mang tính hình ảnh khác như: núi cũ, đại ngàn, núi non, rừng chiều, Trường Sơn, - Máu lửa: hình ảnh tượng trưng cho những năm tháng chiến tranh khốc liệt → Cùng với các từ ngữ mang tính hình ảnh khác như: ngọn lửa, hòa bình, bom nổ, khói đen. Câu 6 trang 42 SGK Văn 7/1 kết nối tri thức Cho biết sự khác biệt về nghĩa của từ “xuân” trong các cụm từ: ngày xuân, tuổi xuân, đồng dao mùa xuân. Phương pháp giải: Em đọc kĩ các cụm từ đã cho, xem thêm các cách giải nghĩa từ “xuân” để phân tích từ “xuân” trong từng ngữ cảnh. Lời giải chi tiết: - Ngày xuân, tuổi xuân: Từ “xuân” ở đây mang nghĩa chuyển, có nghĩa là tuổi thanh xuân - giai đoạn tuổi trẻ của con người (Ngày xuân ngọt lành – Đồng dao mùa xuân). - Đồng dao mùa xuân: Từ “xuân” ở đây mang nghĩa gốc, là mùa đầu tiên trong 4 mùa của năm, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc. (Đồng dao mùa xuân được hiểu là bài ca dành cho mùa xuân) https://vuihoc.vn/tin/thcs-thuc-hanh-tieng-viet-trang-42-van-7-ket-noi-tri-thuc-3749.html